Tham dự sự kiện có Ông Nguyễn Hữu Hồng, Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam; Đại diện Hội Chữ thập đỏ các quốc gia Mỹ, Đức, Pháp, Na Uy, Ý tại Việt Nam...; đại diện của tổ chức FHI 360, đại diện của nhiều tổ chức trong nước và quốc tế khác cùng các cán bộ, tình nguyện viên Chữ thập đỏ, các nhóm đồng đẳng, thanh niên và sinh viên của cáctrường đại học trên địa bàn Hà Nội.
Một hoạt động quan trọng của sự kiện là việc triển khai dịch vụ tư vấn và xét nghiệm HIV tự nguyện, miễn phí và đảm bảo bí mật thông tin ngay tại địa điểm tổ chức sự kiện. Ngoài ra còn có các hoạt động bên lề nhằm tăng cường sự cam kết và tham gia của các nhóm đồng đẳng, các bên liên quan và cộng đồng trong công cuộc phòng chống HIV/AIDS.
Lễ mít tinh kỷ niệm ngày thế giới phòng, chống HIV/AIDS (1/12/2013), với một đêm văn nghệ gồm các tiết mục liên quan đến việc khuyến khích đi xét nghiệm HIV, chống kỳ thị phân biệt đối xử liên quan tới HIV/AIDS, như kịch tương tác, tiết mục của các nhóm đồng đẳng tại Hà Nội, và nhóm thành viên dự án tại Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên, Sơn La; những thành công, kết quả đã đạt được; Khuyến nghị với các cơ quan và xã hội…Sự kiện này đã thu hút được 1,000 người từ các độ tuổi và tầng lớp khác nhau tham dự.
Hội Chữ thập đỏ Việt Nam là một tổ chức xã hội nhân đạo đã hoạt động rất tích cực trong việc phối hợp với các tổ chức trong và ngoài nước kết hợp với việc phát huy thế mạnh của hệ thống tình nguyện viên bao phủ rộng khắp các vùng miền trong cả nước trong việc tổ các hoạt động phòng chống HIV/AIDS và trợ giúp người nhiễm HIV. Với sự tài trợ của Hội Chữ thập đỏ Mỹ, năm 2011, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam phối hợp cùng với mạng lưới quốc gia những người sống chung với HIV tổ chức rất thành công sự kiện “Thắp sáng vì quyền của người nhiễm HIV”. Năm 2012, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam phối hợp với Mạng lưới Thanh niên Việt Nam phòng, chống HIV/AIDS vàCâu lạc bộ sinh viên tuyên truyền Phòng chống Tệ nạn xà hội và HIV/AIDS Trường ĐH Kinh tế Quốc dân tổ chức sự kiện mang tên “Khoảng khắc 0h Vì một Việt Nam không còn người nhiễm mới HIV”.
Hiện nay, Hội chữ thập đỏ Việt Nam đang triển khai dự án Hỗ trợ, Chăm sóc và Phòng chống HIV/AIDS do Hội Chữ thập đỏ Mỹ tài trợ tại 4 tỉnh, thành phố phía bắc là Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên và Sơn La. Xây dựng mô hình Phòng truyền thông tư vấn miễn phí về HIV/AIDS đặt tại bệnh viện, nơi đang điều trị cho bệnh nhân AIDS, là hoạt động xuyên suốt của dự án và người nhiễm HIV là trung tâm trong các hoạt động chính của dự án. Mô hình này đã và đang phát huy hiệu quả trong việc gắn kết và chia sẻ trách nhiệm chăm sóc hỗ trợ những người nhiễm HIV giữa các cán bộ y tế trong bệnh viện, người nhà và chính bản thân những người nhiễm HIV. Việc này giúp tạo cầu nối giữa các bệnh nhân tại cộng đồng và cán bộ y tế. Cung cấp tư vấn và hỗ trợ đồng đẳng cho các nhóm nguy cơ cao trong việc tiếp cận các dich vụ khác cho những nhiễm HIV tại cộng đồng. Năm nay là năm thứ 6, dự án đã mang lại nhiều kết quả bao gồm tư vấn viên, tập huấn viên, cũng như những người chăm sóc người nhiễm HIV và AIDS tại nhà. Sự kỳ thị đối với người nhiễm HIV vẫn còn tồn tại và ảnh hưởng đến nỗ lực cung cấp các chương trình phòng ngừa và chăm sóc. Do đó, để đóng góp vào nỗ lực giải quyết khó khăn này, tình nguyện viên của chương trình đã thực hiện nhiều buổi truyền thông với quy mô khác nhau để tuyên truyền về các biện pháp phòng ngừa lây truyền HIV/AIDS, chống kỳ thị phân biệt đối xử…cho người sử dụng ma túy, lao động tự do, lao động nhập cư, học sinh, sinh viên và học viên tại các trung tâm giáo dục lao động xã hội.
Hướng tới mục tiêu không còn người nhiễm mới HIV có nghĩa là phấn đấu đến năm 2015: giảm 50% các ca nhiễm mới do lây truyền HIV do quan hệ tình dục không an toàn, bao gồm nhóm thanh niên, người quan hệ tình dục đồng giới nam, người bán dâm; loại trừ lây truyền HIV từ mẹ sang con và giảm 50% số ca tử vong ở bà mẹ bị nhiễm HIV/AIDS; giảm 50% các ca lây truyền HIV trong nhóm những người tiêm chích ma túy; tất cả người nghiện ma túy nhiễm mới HIV đều được dự phòng đúng.
Năm 2013, Việt Nam tập trung vào chủ đề “Hướng tới không còn người nhiễm mới HIV” vì: Tuy dịch HIV/AIDS ở Việt Nam đã được kiềm chế ở mức độ thấp, số người mới phát hiện nhiễm HIV đã giảm liên tục trong những năm gần đây nhưng vẫn chưa đủ bền vững. Dịch HIV/AIDS vẫn tiếp tục lây lan trên đất nước ta với một số xu hướng thay đổi đáng lưu ý như gia tăng sự lây nhiễm HIV qua quan hệ tình dục, gia tăng số người nhiễm HIV, vốn được coi là những người ít có nguy cơ như phụ nữ mang thai…Một bộ phận dân cư vẫn chưa thực sự có nhận thức đúng đắn về HIV/AIDS. Hành vi nguy cơ lây nhiễm HIV trong một số nhóm người như tiêm chích ma túy, đồng tính nam và phụ nữ bán dâm vẫn còn ở mức độ cao… Điều đó có nghĩa là, mặc dù chúng ta đã làm giảm được tốc độ lây lan của HIV, nhưng dịch HIV/AIDS vẫn diễn biến khó lường và tiềm ẩn các yếu tố có thể gây bùng nổ dịch nếu chúng ta không có những biện pháp ứng phó toàn diện và quyết liệt hơn.