Năm 2013, những người làm nhân đạo trên toàn thế giới tưng bừng kỷ niệm 150 năm ngày thành lập Phong trào Chữ thập đỏ, Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế (sau đây gọi tắt là Phong trào). Trải qua 150 năm xây dựng và phát triển, tổ chức nhân đạo chuyên nghiệp lớn nhất hành tinh ngày càng lớn mạnh cả về số lượng và lĩnh vực hoạt động, góp phần mang lại niềm vui, sự chia sẻ tới hàng trăm triệu người có hoàn cảnh khó khăn, những người dễ bị tổn thương, giúp họ vững vàng, tự tin vươn lên trong cuộc sống.
Ngược dòng lịch sử, bắt đầu từ ý tưởng của của Hăng-ry Đuy-năng, năm 1863, Ủy ban quốc tế cứu trợ những người bị thương (sau này được đổi tên thành Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế) - một bộ phận cấu thành của Phong trào, đã được thành lập, đánh dấu sự ra đời và phát triển của tổ chức nhân đạo lớn nhất trên thế giới. Lúc đầu chỉ gồm 5 thành viên sáng lập (Henry Dunant, Tướng Guillaume-Henri Dufour, Luật sư GustaveMoynier, and hai bác sỹ Louis Appia và Théodore Maunoir) và nhiệm vụ chính của Ủy ban là cứu chữa thương binh, không phân biệt người thương binh đó thuộc phe nào trong chiến tranh và để nhận diện, bảo vệ những người tham gia hoạt động đầy nguy hiểm này, Ủy ban đã lấy biểu tượng Chữ thập đỏ trên nền trắng làm dấu hiệu thông báo cho các bên tham chiến biết để không bên nào được nổ súng vào lực lượng này. Các Công ước Giơ-ne-vơ (bắt đầu từ năm 1864), 3 Nghị định thư bổ sung đã dần hoàn thiện Luật Nhân đạo quốc tế, có sự tham gia phê chuẩn của chính phủ các nước, đã trở thành công cụ hữu hiệu cho các tổ chức nhân đạo hoạt động. Ngay trong năm 1863, một tổ chức cứu chữa thương binh cũng đã được thành lập ở Đức và sau này được ghi nhận là tổ chức Hội Chữ thập đỏ đầu tiên. Cũng từ năm đó, các tổ chức cứu chữa thương binh trong chiến tranh dưới màu cờ Chữ thập đỏ đã phát triển mạnh mẽ ở các nước châu Âu. Cuối thế kỷ 19, đặc biệt trong thời kỳ chiến tranh Thế giới lần thứ nhất, các tổ chức nhân đạo chữ thập đỏ đã phát triển ở hầu hết các châu lục, trở thành thành phần thứ hai của Phong trào cùng với nhiệm vụ ngày càng được mở rộng, bao gồm cả việc tham gia cứu chữa thương binh, giúp đàm phán trao đổi tù binh, bảo vệ quyền con người của dân thường, binh lính trong chiến tranh, xung đột tôn giáo, sắc tộc, phòng chống buôn bán người, bom mìn, vũ khí hóa học, vũ khí hạt nhân, di cư, vận động chính sách nhân đạo...
Đến năm 1919, cùng với sự phát triển của Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế Hiệp Hội Chữ thập đỏ, Trăng lưỡi liềm đỏ Quốc tế (viết tắt là Hiệp Hội) đã được thành lập theo sáng kiến của Henry Davison, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Mỹ với nhiệm vụ chính là cứu trợ nhân đạo, tham gia chăm sóc sức khỏe, phòng chống bệnh dịch, góp phần giảm nhẹ nỗi đau của những nạn nhân chiến tranh, nạn nhân thiên tai thảm họa. Sự ra đời của Hiệp Hội - bộ phận cấu thành của Phong trào có ý nghĩa quan trọng trong việc huy động nguồn lực và sự tham gia của nhiều tổ chức, nhà hảo tâm trong công tác nhân đạo, nhất là ứng phó với thiên tai, thảm họa, trợ giúp nhân đạo trong các xung đột, chiến tranh.
Trải qua 150 năm xây dựng và phát triển, bằng thông điệp "150 năm hành động vì nhân đạo", Phong trào Chữ thập đỏ, Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế thêm một lần khẳng định các giá trị cốt lõi của mình, đó là:
1. Hoạt động của Phong trào nói chung, của từng thành viên nói riêng có thể khác nhau về quy mô, mức độ, về phương thức thực hiện, nhưng đều dựa trên những nguyên tắc cơ bản chung, đó là: Nhân đạo, Vô tư, Trung lập, Độc lập, Tự nguyện, Thống nhất, Toàn cầu. Giá trị nền tảng của Phong trào phù hợp với đạo lý truyền thống của dân tộc ta và các dân tộc khác trên thế giới, thấy người khó khăn cần trợ giúp thì trợ giúp, không phân biệt, đối xử, không tùy thuộc vào việc họ là ai, thuộc phái nào, nhờ đó hoạt động của Phong trào ngày càng có sức sống, lan tỏa và bền bỉ đồng hành cùng số phận của những người có hoàn cảnh khó khăn, những người dễ bị tổn thương trên thế giới.
2. Hoạt động của Phong trào mang tính nhân đạo cao cả, thể hiện tính tự giác cao, đi từ trái tim đến trái tim cùng với sự chia sẻ nặng lòng với những con người kém may mắn trong xã hội. Nhân đạo - giá trị cốt lõi này luôn tiềm ẩn trong mỗi con người và thông qua các hoạt động nhân đạo, các thành viên Phong trào đã và đang đánh thức tính hướng thiện, lòng nhân ái trong trái tim triệu triệu người trên thế giới, thu hút ngày càng nhiều tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động nhân đạo, đã và đang trở thành một xu thế rõ rệt của thời đại, có ý nghĩa giáo dục sâu sắc.
3. Hoạt động của Phong trào nói chung, của từng Hội quốc gia nói riêng ngày càng có tính chuyên nghiệp, không ngừng được đổi mới và hoàn thiện, từ chỗ các thành viên của Phong trào chỉ dừng lại ở việctrao tặng các đối tượng hưởng lợi những gì mỗi Hội quốc gia có, đến chỗ trao tặng những gì mà những người kém may mắn cần. Nhiều Hội quốc gia trên thế giới đã hình thành hệ thống bệnh viện của mình, các trung tâm máu, các đội hình chuyên nghiệp ứng phó với thảm họa, các phương tiện chuyên dụng phục vụ các hoạt động nhân đạo. Nhờ có tính chuyên nghiệp ngày càng cao, Hội Chữ thập đỏ, Trăng lưỡi liềm đỏ nhiều quốc gia ngày càng tham gia tích cực thực hiện chính sách an sinh, xã hội ở các quốc gia đó, thực sự trở thành lực lượng bổ trợ của chính phủ mỗi nước trong công tác nhân đạo.
4. Hoạt động nhân đạo do các thành viên Phong trào thực hiện là những hoạt động dựa vào cộng đồng với mục tiêu cao cả là nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng của người dân tại cộng đồng về thiên tai, thảm họa, chăm sóc sức khỏe, sơ cấp cứu ban đầu…làm cho các hoạt động nhân đạo của Hội quốc gia thực sự là hoạt động của cộng đồng, do cộng đồng và vì cộng đồng. Nhờ dựa vào cộng đồng, hoạt động nhân đạo của các Hội quốc gia ngày càng lôi cuốn được sự tham gia của các tổ chức chính phủ, phi chính phủ, các tổ chức quốc tế và người dân, huy động được ngày càng nhiều nguồn lực cho hoạt động nhân đạo.
5. Hoạt động nhân đạo của các thành viên Phong trào ngày càng nhanh nhạy, hiệu quả và có tính quốc tế sâu sắc. Khi thiên tai, thảm họa, chiến tranh, dịch bệnh xảy ra ở một khu vực, Hội Chữ thập đỏ, Trăng lưỡi liềm đỏ quốc gia luôn là một trong các lực lượng có mặt đầu tiên trợ giúp người dân vượt qua tình huống hiểm nghèo và cũng luôn là một trong các lực lượng gắn bó lâu dài với người dân trong giai đoạn tái thiết phục hồi. Trong những siêu thảm họa trên thế giới, Biểu tượng chữ thập đỏ, Trăng lưỡi liềm đỏ cùng với những đội cứu hộ chuyên nghiệp của các thành viên Phong trào luôn là những hình ảnh đẹp, mang lại ấn tượng mạnh mẽ.
Hội Chữ thập đỏ Việt Nam được thành lập vào năm 1946 và chính thức trở thành thành viên của Phong trào Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế năm 1957. Từ khi thành lập đến nay, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam không ngừng lớn mạnh, đã phát triển ở hầu hết các xã, phường, thị trấn trong cả nước, trong nhiều trường học, cơ quan. Hoạt động của Hội cũng ngày càng phong phú, bắt đầu từ việc mở lớp đào tạo cứu thương, quyên gạo cứu đói, thăm hỏi, tham gia trao trả tù binh, tiếp nhận và phân phối viện trợ, giúp đỡ các cơ quan quân y và dân y chăm sóc thương binh, tù binh, chăm sóc sức khoẻ đồng bào tản cư và di cư, tham gia khắc phục hậu quả chiến tranh, giúp đỡ các gia đình liệt sĩ, đến nay, các hoạt động của Hội ngày càng chuyên nghiệp, bao gồm: cứu trợ khẩn cấp và trợ giúp nhân đạo; chăm sóc sức khoẻ; sơ cấp cứu ban đầu; hiến máu nhân đạo, hiến mô, bộ phận cơ thể người và hiến xác; tìm kiếm tin tức thân nhân thất lạc do chiến tranh, thiên tai, thảm hoạ; tuyên truyền các giá trị nhân đạo; tham gia phòng ngừa ứng phó thảm hoạ. Nhiều phong trào, nhiều cuộc vận động của Hội, như: “Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam”, “Tháng hành động vì nạn nhân chất độc da cam”, cuộc vận động "Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo"... đã trở thành phong trào của nhân dân, lôi cuốn được nhiều tổ chức tham gia. Không chỉ là tổ chức nòng cốt, cầu nối, điều phối trong công tác nhân đạo ở trong nước, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam luôn chủ động ủng hộ, chia sẻ cùng với nhân dân các nước khác khi gặp thiên tai, thảm họa, góp phần thực hiện đường lối ngoại giao nhân dân của Đảng và Nhà nước ta.
Hòa trong giá trị cốt lõi của Phong trào Chữ thập đỏ, Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế, với thông điệp "150 năm - Hành động vì nhân đạo", Hội Chữ thập đỏ Việt Nam tiếp tục nỗ lực vươn lên, thực sự là Hội quốc gia mạnh trong đại gia đình của những tổ chức nhân đạo, đáp ứng ngày càng hiệu quả các thách thức và tình huống trong công tác nhân đạo, tất cả vì người nghèo, người dễ bị tổn thương trong xã hội.