(Ảnh: Hội Chữ thập đỏ tỉnh và các huyện, thành, thị Hội chụp ảnh cùng đồng chí Trần Thế Dũng - Phó Bí thư thường trực tỉnh ủy, Chủ tịch danh dự Hội CTĐ tỉnh và lãnh đạo các sở ban ngành nhân kỷ niệm 45 năm ngày thành lập Hội CTĐ tỉnh Hà Tĩnh)
Hiện nay, toàn tỉnh có 13 Hội Chữ thập đỏ cấp huyện, thị xã, thành phố; 1 chi hội trực thuộc tỉnh và 260 hội cơ sở với 33.776 hội viên hoạt động, có 143.683 Thanh niên CTĐ, lực lượng tình nguyện viên Chữ thập đỏ, 159 Câu lạc bộ tình nguyện viên với 9288 tình nguyện viên nòng cốt. Các thế hệ cán bộ, hội viên, thanh thiếu niên, tình nguyện viên Chữ thập đỏ Hà Tĩnh tự hào khoác trên mình màu áo đỏ thân thương, kiên trì, quyết tâm vượt qua khó khăn làm tốt vai trò của những người làm nhân đạo, sứ giả của tình yêu thương, kết nối lòng nhân ái, tô đẹp thêm truyền thống nhân văn, nhân ái của dân tộc. Các cấp Hội ngày càng đổi mới, gắn liền với lợi ích của đời sống xã hội, kịp thời sẻ chia với những mảnh đời kém may mắn, bất hạnh. Chính vì vậy mà các phong trào hoạt động nhân đạo xã hội của Hội luôn được các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân, đồng bào các dân tộc trong tỉnh quan tâm đồng tình ủng hộ.
Tích cực tham gia công tác phòng ngừa ứng phó với thiên tai thảm họa, nâng cao năng lực và giảm nhẹ rủi ro thiên tai cho cộng đồng
Hội Chữ thập đỏ tỉnh xác định công tác phòng ngừa và ứng phó thảm họa là một trong những nhiệm vụ trọng tâm chiến lược. Hội Chữ thập đỏ tỉnh triển khai nhiều hoạt động thiết thực hiệu quả trong công tác phòng ngừa và ứng thiên tai. Các cấp Hội đã đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về thảm họa, hướng dẫn kỹ năng phòng tránh và ứng phó thảm họa, xây dựng cộng đồng an toàn, có khả năng chống chịu và thích ứng với biến đổi khí hậu.
(Ảnh: Diễn tập cho đội xung kích ứng phó thảm họa cộng đồng)
Nhiều cơ sở Hội, nhất là ở các vùng hay xảy ra thiên tai đã xây dựng đội ứng phó thảm họa cấp cộng đồng sẵn sàng ứng phó khi thiên tai xảy ra. Toàn tỉnh hiện có 47 đội xung kích ứng phó thảm họa cộng đồng với hơn 1200 thành viên, xây dựng được 10 mô hình cộng đồng an toàn trước thiên tại và biến đổi khí hậu tại các địa phương cấp xã, phường và 3 mô hình trường học an toàn trước thiên tai. Hoạt động hỗ trợ đào tạo, xây dựng lực lượng xung kích tại cơ sở góp phần thực hiện có hiệu quả phương châm 4 tại chỗ, nâng cao năng lực sẵn sàng, chủ động ứng phó và giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra cho cộng đồng.
(Ảnh: Hội Chữ thập đỏ tỉnh trao hỗ trợ trang thiết bị cho Đội cứu hộ, cứu nạn Hội CTĐ-BTXH xã Cẩm Nhượng, huyện Cẩm Xuyên)
Nhiều trang thiết bị phục vụ phòng ngừa, ứng phó thảm họa tiếp tục được trang bị, như: hệ thống cảnh báo sớm, nhà cộng đồng chống bão lũ, áo phao, trồng rừng ngập mặn .... ; thành viên các đội ứng phó thảm họa ở các địa phương tham gia ứng phó thảm họa, phòng chống giảm nhẹ rủi ro thiên tai ngày càng có nhiều kỹ năng chuyên nghiệp, nhanh, nhạy, kịp thời, hiệu quả, khẳng định rõ vai trò, hình ảnh của Hội. Hình ảnh những cán bộ, tình nguyện viên chữ thập đỏ luôn xung kích cùng với chính quyền và các tổ chức đoàn thể tham gia hỗ trợ di dời và sơ tán dân, cứu hộ khẩn cấp, hỗ trợ lương thực, thực phẩm, đồ dùng thiết yếu cho người dân khắc phục hậu quả trong và sau các đợt thiên tai bão lũ, dịch bệnh đã trở thành hình ảnh thân thuộc trong lòng nhân dân.
Các hoạt động từ thiện, nhân đạo góp phần thực hiện công tác an sinh xã hội, xây dựng cộng đồng nhân ái, phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ chính trị của tỉnh
(Ảnh: Cán bộ Hội CTĐ hướng dẫn người dân tham gia mua sắm tại phiên "Chợ 0 đồng", Tết Nhân ái)
Phong trào "Tết Nhân ái” được tổ chức với nhiều nét mới, đa dạng trong cách thức triển khai, bao gồm: Tặng quà và chúc Tết, chuỗi "Chợ Tết Nhân ái", "Cửa hàng dịch vụ đón Tết", cỗ Tết, hoạt động vui Tết được triển khai sâu rộng, trở thành hoạt động truyền thống của Hội. Tết Nhân ái năm 2024 các cấp hội toàn tỉnh đã kêu gọi, kết nối, vận động được 25.987.000.000 đồng, bao gồm tiền mặt và nhu, yếu phẩm trao tặng 52.287 suất quà.
Với sự đa dang, khác biệt trong cách thức tổ chức tổ chức, Tết Nhân ái do Hội Chữ thập đỏ triển khai đã thu hút sự tham gia của nhiều tổ chức, cá nhân, được các cấp uỷ đảng, chính quyền, nhân dân ghi nhận và đánh giá cao, có sức lan tỏa mạnh mẽ, cộng đồng chung tay góp sức để mang đến nhiều phần quà ý nghĩa thiết thực trợ giúp người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, người dễ bị tổn thương được vui Xuân, đón Tết.
(Ảnh: Hội Chữ thập đỏ tỉnh trao bằng công nhận “Cộng đồng nhân ái” cho thôn Tân Hải – xã Cẩm Nhượng – huyện Cẩm Xuyên)
Phong trào “Người tốt, việc thiện - Chung sức xây dựng cộng đồng nhân ái” là cuộc vận động cụ thể hoá việc học tập, làm theo tư tưởng đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về tư tưởng nhân đạo, tinh thần tương thân, tương ái thông qua việc cổ vũ hành động tử tế góp phần xây dựng nếp sống văn hóa, đề cao giá trị nhân đạo trong cộng đồng; phong trào đang được xây dựng tại các cơ sở hội, hiện nay trong toàn tỉnh đã có 01 mô hình xã cộng đồng nhân ái tại xã Cẩm Nhượng, huyện Cẩm Xuyên; nhiều CLB, đội nhóm hoạt động thiện nguyện như nhóm nhân ái Hồng La (Đức Thọ); Nhóm Trái tim nhân ái (Kỳ Anh); Nhóm “Bát cháo từ tâm” ở Hương Khê.....các nhóm hoạt động trên tinh thần tự nguyện cùng nhau vận động, kêu gọi để hỗ trợ các suất quà đột xuất, thường xuyên; nấu các bữa cơm, cháo cho bệnh nhân nghèo tại các bệnh viện.
(Ảnh: Tôn vinh các Tập thể, các nhân có thành tích tốt trong triển khai Phong trào Người tốt việc thiện)
Để ghi nhận những đóng góp của các tổ chức, cá nhân Hội Chữ thập đỏ tỉnh đã tổ chức vinh danh 30 gương “Người tốt, việc thiện” tiêu biểu trong triển khai thực hiện Phong trào “Người tốt, việc thiện - Chung sức xây dựng cộng đồng nhân ái”.
Tháng Nhân đạo được các cấp Hội, đông đảo cán bộ, hội viên, tình nguyện viên, thanh thiếu niên chữ thập đỏ tỉnh Hà Tĩnh hưởng ứng và tham gia tích cực với nhiều hoạt động, phần việc thiết thực. Tháng Nhân đạo đã góp phần làm chuyển biến mạnh mẽ nhận thức của cấp ủy, chính quyền, các tổ chức, cá nhân đối với công tác nhân đạo, tạo phong trào tương thân, tương ái rộng lớn trong cộng đồng, mang lại điểm nhấn và kết quả nổi bật so với các hoạt động nhân đạo thường xuyên.
(Ảnh: Các đơn vị đăng ký công trình, phần việc hưởng ứng Tháng Nhân đạo 2024)
Tháng nhân đạo năm 2024 với tinh thần mỗi huyện, thị, thành hội có ít nhất 01 hoạt động; mỗi cơ sở Hội có ít nhất 2 hoạt động, các cấp hội đã tham mưu, phối hợp, kêu gọi vận động nguồn lực để thực hiện tháng Nhân đạo đạt hơn 6 tỷ 982 triệu đồng, trợ giúp cho 17.402 người hưởng lợi.
(Ảnh: Đ/c Lê Thị Mai Hoa - Chủ tịch tỉnh Hội trao sổ tiết kiệm khuyến học cho học sinh mồ côi ở huyện Hương Khê)
Cuộc vận động “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo” . Cuộc vận động được các cấp Hội triển khai sâu rộng, mạnh mẽ, được các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban, ngành và các tổ chức, cá nhân quan tâm hưởng ứng nhiệt tình. Các huyện, thị, thành Hội đã xây dựng hệ thống địa chỉ nhân đạo cần trợ giúp của đơn vị mình; tiến hành khảo sát hoàn cảnh, nhu cầu cần trợ giúp, kêu gọi vận động các nhà tài trợ để hỗ trợ các địa chỉ nhân đạo. Toàn tỉnh hiện có 397 địa chỉ nhân đạo được các cấp hội vận động trợ giúp với tổng trị giá 771 triệu đồng thông qua các hình thức hỗ trợ sổ địa chỉ nhân đạo mỗi tháng 500 - 700 ngàn đồng, thời gian hỗ trợ có địa chỉ 1 năm; 2 năm; 9 tháng.
(Ảnh: Trao tiền hỗ trợ xây nhà ngư dân cho bà Dương Thị Thanh, huyện Thạch Hà)
Các chương trình trọng điểm của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam triển khai trong nhiệm kỳ 2022-2027 được Tổ chức hội triển khai thực hiện hiệu quả tại Hà Tĩnh. Chương trình “An toàn cho ngư dân nghèo, khó khăn” với mục tiêu cải thiện điều kiện lao động, an toàn và sinh kế cho ngư dân nghèo, góp phần cùng các cấp ngành thực hiện chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam, Hội Chữ thập đỏ tỉnh triển khai thực hiện với các hoạt động tập huấn tuyên truyền Luật biển, hỗ trợ xây dựng nhà, hỗ trợ sinh kế mua sắm ngư cụ, tặng cờ, túi sơ cấp cứu cho các hộ ngư dân thuộc hộ nghèo, cận nghèo và có hoàn cảnh khó khăn.
(Ảnh: Khánh thành bếp ăn bán trú tại Trường mầm non Hương Thọ, xã Quang Thọ, huyện Vũ Quang)
Chương trình “Dinh dưỡng cho trẻ em nghèo, khuyết tật” hướng tới mục tiêu nâng cao nhận thức, hành động trong việc chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ em, góp phần giúp trẻ em phát triển tốt hơn cả về thể chất và trí tuệ, đặc biệt là đối tượng trẻ em nghèo vùng biên giới, miền núi, hải đảo được triển khai hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương như kêu gọi vận động xây dựng các bếp ăn bán trú, tặng sữa, hỗ trợ học bổng cho học sinh nghèo vượt khó.
(Ảnh: Lễ xuất quân Chương trình "Hành trình đỏ 2024")
Có thể nói, bức tranh hoạt động của Hội Chữ thập đỏ các cấp rất đa dạng, mỗi cấp hội có những cách làm mới, mô hình hay với phương châm vừa hỗ trợ khẩn cấp, vừa hỗ trợ sinh kế lâu dài. Bằng những hoạt động ý nghĩa, thiết thực, tổ chức hội đã huy động được sức mạnh nhân đạo của các cấp, các ngành, các đoàn thể và thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia hoạt động nhân đạo từ thiện với tổng trị giá hoạt động toàn Hội đạt trung bình trên 40 tỷ đồng/năm, năm sau cao hơn năm trước, thiết thực trợ giúp những người có hoàn cảnh khó khăn, góp phần giáo dục lòng nhân ái và tham gia thực hiện chính sách an sinh xã hội của tỉnh nhà
(Ảnh: Đ/c Trần Thị Hải Việt - Phó Chủ tịch tỉnh Hội thăm hỏi người dân tại Chương trình Khám bệnh và cấp phát thuốc miễn phí)
Hội Chữ thập đỏ là cầu nối để mỗi người, mỗi nhà, mỗi ngành có thể chung tay góp sức cùng thực hiện công tác nhân đạo từ thiện. Mỗi việc làm nhân đạo giúp đỡ người nghèo sẽ góp phần khơi dậy tinh thần tương thân, tương ái của dân tôc, làm cho chúng ta hiểu, cảm thông hơn với những người thiệt thòi, yếu thế trong xã hội để cho cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn. Đó cũng là việc làm thiết thực, hiệu quả nhất trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh.