Ảnh: Tôn vinh các tập thể điển hình tiên tiến Chữ thập đỏ giai đoạn 2010-2015
Năm 5 qua, Hội Chữ thập đỏ các cấp đã chủ động, sáng tạo, tổ chức các hoạt động phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của Hội sát với tình hình thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, do đó đã phát hiện, bồi dưỡng và phát triển nhiều điển hình tiên tiến trên các lĩnh vực công tác và phong trào thi đua, với các cuộc vận động lớn hỗ trợ nhân đạo và phòng ngừa ứng phó thảm họa đem lại hiệu quả thiết thực, phục vụ sự nghiệp nhân đạo, an sinh xã hội. Điển hình là các phong trào, chương trình nhân đạo và các cuộc vận động đó là:
- Phong trào "Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam" hàng năm, luôn được các cấp hội triển khai thực hiện một cách kịp thời và có hiệu quả. Thường trực tỉnh Hội đã tham mưu, xây dựng kế hoạch phối hợp với Ủy ban MTTQ tỉnh và ra lời kêu gọi; hướng dẫn tổ chức Hội cấp dưới làm tốt công tác tuyên truyền, vận động cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể, các tổ chức, các nhà hảo tâm tại địa phương, đơn vị ủng hộ tiền, quà cho các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn vui tết, đón xuân. Từ 2010-2015 các cấp Hội trong toàn tỉnh đã vận động được số tiền 84.235.466.000 đồng để chăm lo cho người nghèo và nạn nhân chất độc da cam, tiêu biểu và thường xuyên đạt thành tích cao trong phong trào, đó là: huyện Nghi Xuân, Can Lộc, Kỳ Anh, Hương Sơn, ...Riêng Tết Ất Mùi năm 2015 Hội CTĐ các cấp trong toàn tỉnh đã kêu gọi và vận động ủng hộ được 53.467 suất quà, với tổng trị giá 28.055.400.000 đồng, vượt kế hoạch Trung ương Hội giao, là một trong 15 đơn vị được BCH Trung ương Hội CTĐ Việt Nam tặng bằng khen, Hội CTĐ huyện Nghi Xuân vinh dự được báo cáo điển hình tại Hội nghị toàn quốc.
- Cuộc vận động “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo” là cuộc vận động lớn của toàn Hội, từ năm 2008 đến nay cuộc vận động đã được triển khai khá toàn diện, có sức lan tỏa và đạt hiệu quả cao. Kết quả sau hơn 5 năm triển khai thực hiện đã trợ giúp được 21.987 đối tượng. Cuộc vận động đã trở thành phong trào rộng lớn với tổng giá trị giai đoạn 2010-2015 là hơn 40 tỷ đồng, giúp đỡ được hàng ngàn đối tượng khó khăn, rủi ro bất hạnh. Tiêu biểu như: Tổng Công ty Khoáng Sản và Thương Mại Hà Tĩnh (Mitraco), Ngân hành Nông nghiệp tỉnh, Chùa Am tại huyện Đức Thọ, Công ty Taixi Mận Vũ - Kỳ Anh.....
- Chương trình hỗ trợ, xây dựng nhà nhân đạo giai đoạn 2010 - 2015 toàn tỉnh đã vận động xây dựng, trao tặng 200 ngôi nhà trị giá gần 5 tỷ đồng. Các chương trình, dự án được triển khai kịp thời, hiệu quả như: Dự án ECHO hỗ trợ bò giống, thóc giống, phân bón, bình lọc nước; Dự án trồng Rừng ngập mặn do Hội CTĐ Nhật Bản tài trợ từ năm 1998 đến nay tại 6 huyện ven biên biển; Dự án Quản lý rủi ro thảm họa dựa vào cộng đồng do Hội Chữ thập đỏ Mỹ tài trợ triển khai 2011-2014 tại 4 xã thuộc huyện Hương Khê; Dự án cứu trợ khẩn cấp bão lụt và cứu trợ tiền mặt cho các hộ gia đình bị thiệt hại do bão lụt năm 2013 tại Kỳ Anh, Lộc Hà, Thạch Hà, Vũ Quang, Hương Khê; Dự án "Giảm thiểu rủi ro thảm họa khu vực đô thị " do Hội Chữ thập đỏ Mỹ tài trợ, đã kịp thời hỗ trợ các địa phương, đơn vị, các đối tượng khó khăn, các gia đình bị thiệt hại do thiên tai, thảm họa. Qua đó, nâng cao năng lực tổ chức Hội, năng lực phòng ngừa ứng phó thảm họa của cộng đồng, đóng góp tích cực cho phong trào xây dựng nông thôn mới ở những địa phương khó khăn, đồng bào vùng sâu, vùng xa.
- Các đợt vận động ra quân hiến máu tình nguyện theo chủ đề
“Lễ hội xuân hồng”, Ngày toàn dân tham gia hiến máu tình nguyện (7/4),
“Những giọt máu hồng” hè, chương trình
“Hành trình đỏ” và các hoạt động chăm sóc sức khoẻ cộng đồng thường xuyên được tăng cường và đạt hiệu quả cao. Kết quả đó có sự phối hợp chặt chẽ với Sở Y tế, Tỉnh đoàn, Hội Thầy thuốc trẻ đã vận động tuyên truyền hàng chục ngàn cán bộ, CNVC, TTN, học sinh, sinh viên.... Từ năm 2010 đến hết tháng 6/2015 đã vận động, tiếp nhận được 17.694 đơn vị máu kịp thời cứu chữa người bệnh nhân, đáp ứng nhu cầu người bệnh, nhiều năm liền bệnh nhân không phải mua máu từ bên ngoài. Riêng 6 tháng đầu năm 2015 Ban Chỉ đạo HMTN tỉnh đã lãnh đạo, chỉ đạo và phối hợp tổ chức được 15 đợt hiến máu, thu được 2.341 đơn vị máu. Nhiều tấm gương hiến máu tiêu biểu của phong trào hiến máu tình nguyện của tỉnh nhà như bạn Nguyễn Thị Mai Sao sinh viên Cao Đẳng y tế 20 lần hiến máu, bạn Nguyễn Thế Dũng sinh viên Cao Đẳng y tế 18 lần hiến máu, bạn Phạm Văn Đức - Bí thư Đoàn xã Thạch Môn 16 lần hiến máu, anh Nguyễn Văn Cường, Công an Thạch Hà 12 lần hiến máu và nhiều tấm gương khác.
Tổng trị giá các hoạt động nhân đạo, xã hội từ thiện của Hội Chữ thập đỏ tỉnh Hà Tĩnh trong 5 năm qua đạt trên 155 tỷ đồng.
Với nhiều kết quả đạt được, Hội Chữ thập đỏ tỉnh đã vinh dự được Trung ương Hội tặng 6 Cờ TĐXS cấp tỉnh và huyện, tặng kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp nhân đạo” cho các đồng chí lãnh đạo các ngành, các cán bộ, hội viên từ tỉnh đến cơ sở, Bằng khen cho 86 cá nhân và 82 tập thể; 03 cá nhân được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính Phủ; UBND tỉnh tặng Bằng khen cho 3 tập thể, 3 cá nhân; Ban Thường vụ tỉnh Hội tặng Cờ TĐXS cho 6 tập thể, tặng Giấy khen cho 120 cá nhân, 141 tập thể. Hàng năm, Chi bộ, Công đoàn, đoàn thanh niên cơ quan tỉnh Hội luôn được các tổ chức cấp trên công nhận là đơn vị vững mạnh, xuất sắc.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được rất đáng phấn khởi và tự hào. Chúng ta cũng thẳng thắn nhìn nhận những khó khăn, tồn tại và những vấn đề cần quan tâm giải quyết đó là: Một số nơi, nhất là cơ sở chưa nhận thức sâu sắc đầy đủ về mục đích, ý nghĩa nội dung của phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động do Hội Chữ thập đỏ chủ trì. Quá trình tổ chức phong trào còn gặp khó khăn, chưa sáng tạo lựa chọn nội dung trọng tâm và lồng ghép chưa phù hợp; một số cán bộ thiếu tâm huyết, hạn chế năng lực. Mặt khác cơ chế đãi ngộ cho cán bộ Hội Chữ thập đỏ các cấp còn nhiều bất cập, chưa thống nhất trong các địa phương. Hoạt động Chữ thập đỏ ngày càng đa dạng, phong phú song một số nơi chậm đổi mới phương thức hoạt động, chưa linh hoạt, chưa quy tụ được nguồn lực chung đã ảnh hưởng nhất định tới kết quả chung của phong trào thi đua.
Từ thực tiễn trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức các phong trào thi đua yêu nước của Hội Chữ thập đỏ tỉnh Hà Tĩnh 5 năm qua, chúng ta có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm đó là:
Một là: Cơ sở có ý nghĩa quyết định sự thành công của công tác thi đua, khen thưởng là phải có sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền và sự quan tâm hướng dẫn của TW Hội Chữ thập đỏ việt Nam, của Ban Thi đua khen thưởng tỉnh; sự phối hợp của Mặt trận Tổ quốc, các Sở, Ban ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, sự ủng hộ của các cơ quan đơn vị, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh, của tổ chức Chữ thập đỏ quốc tế; sự tâm huyết và vô tư của các tình nguyện viên CTĐ và tính chủ động sáng tạo, kiên trì của Hội Chữ thập đỏ các cấp trong xây dựng chương trình, kế hoạch. Đồng thời luôn xác định công tác thi đua, khen thưởng vừa là động lực, vừa là mục tiêu và giải pháp quan trọng để lãnh đạo, tổ chức thực hiện các cuộc vận động, các phong trào do TW hội Chữ thập đỏ Việt Nam khởi xướng và Hội đồng TĐKT tỉnh chỉ đạo.
Hai là: Nội dung phong trào thi đua phải hướng tới các địa chỉ nhân đạo, các mục tiêu trong chiến lược phát triển của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam. Kịp thời sơ kết, tổng kết, tôn vinh, phát hiện các điển hình tiên tiến và nhà tài trợ tiêu biểu trong hoạt động nhân đạo với các hình thức phong phú đa dạng phù hợp với hoàn cảnh và đối tượng cụ thể. Gắn công tác thi đua, khen thưởng với công tác củng cố phát triển của tổ chức Hội trong sự nghiệp nhân đạo.
Ba là: Thường xuyên đổi mới công tác thi đua, khen thưởng theo hướng tập trung có trọng tâm, có thời điểm đưa phong trào thi đua nhằm giải quyết các mục tiêu lớn, việc khó; xây dựng mô hình mới, nhân rộng điển hình tiên tiến làm khâu then chốt để đổi mới phương thức hoạt động của Hội Chữ thập đỏ các cấp làm cơ sở để phát động phong trào thi đua chung.
Để tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, tạo động lực để thực hiện tốt công tác nhân đạo, từ thiện theo hướng phát triển bền vững, xây dựng tổ chức Hội vững mạnh. Công tác Hội và phong trào Chữ thập đỏ tỉnh Hà Tĩnh 5 năm (2015 - 2020) cần tập trung thực hiện một nhiệm vụ trọng tâm sau
1. Tiếp tục tổ chức quán triệt và thực hiện Luật Thi đua, Khen thưởng năm 2003; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng năm 2005; Luật sửa đổi, bổ bung một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng năm 2013 và các Nghị định hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng năm 2013; Chỉ thị số 34 của Bộ Chính trị; Chỉ thị 4 của Tỉnh ủy, về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo đổi mới công tác Thi đua khen thưởng.
2. Phát động phong trào thi đua trong hệ thống Hội Chữ thập đỏ các cấp nhằm tổ chức có kết quả Nghị quyết Đại hội đại biểu Hội Chữ thập đỏ tỉnh Hà Tĩnh lần thứ VIII, Nghị quyết Đại hội Hội Chữ thập đỏ Việt Nam lần thứ VIII, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh lần thứ XVIII.
3. Tiếp tục thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” gắn với việc thực hiện Chỉ thị 35, Kết luận 05, Chỉ thị 20 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Quyết định 31, 33 của Ủy ban nhân dân tỉnh trong đó mỗi cán bộ, hội viên, TNV CTĐ cần phải quán triệt sâu sắc và quyết tâm góp phần nâng cao nhận thức chính trị, đạo đức lối sống, năng lực của mỗi cán bộ Hội Chữ thập đỏ các cấp. Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chủ tịch danh dự đầu tiên của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đó là: “Phải xuất phát từ tình yêu thương nhân dân tha thiết mà góp phần bảo vệ sức khỏe nhân dân và làm mọi việc có thể làm được để giảm bớt đau thương cho họ”.
4. Tập trung củng cố xây dựng tổ chức Hội vững mạnh phù hợp với từng loại hình cơ sở, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền có cơ chế, chính sách phù hợp với cán bộ và hoạt động của các cấp Hội; tăng cường công tác tập hợp, đoàn kết hội viên, TTN, TNV Chữ thập đỏ; thường xuyên đào tạo cán bộ Hội các cấp, nhất là kinh nghiệm hoạt động thực tiễn; lãnh đạo,chỉ đạo kiểm tra, giám sát và hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm về các mô hình hoạt động của các cấp Hội.
4. Đổi mới và nâng cao nội dung, hình thức tổ chức các phong trào: “Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam”, cuộc vận động “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo”. Tích cực triển khai thực hiện hiệu quả các chương trình, dự án nhân đạo. Thúc đẩy công tác phát triển TNV, nhân rộng mô hình, kịp thời tôn vinh, khen thưởng các gương điển hình tiên tiến tạo động lực mới trong công tác thi đua, khen thưởng. Tăng cường mở rộng hợp tác với các tổ chức Chữ thập đỏ quốc tế để chia sẻ kinh nghiệm, thu hút nguồn lực góp phần nâng cao vị thế Hội Chữ thập đỏ trong sự nghiệp nhân đạo cao cả.
5. Trong quá trình tổ chức thực hiện phong trào thi đua cần quan tâm công tác kiểm tra, hướng dẫn và giám sát hoạt động. Thường xuyên bổ sung hoàn thiện quy chế thi đua khen thưởng, kiện toàn hội đồng thi đua. Gắn công tác thi đua của tổ chức Hội với công tác thi đua khen thưởng của Trung ương Hội và cụm thi đua của khối mặt trận, đoàn thể và các Hội của tỉnh một cách linh hoạt, nhịp nhàng, hiệu quả cùng thúc đẩy phong trào chung của toàn Hội.
Tác giả bài viết: Mai Lê Thuộc - Phó Chủ tịch tỉnh Hội